Hai gia đình bàn nhau sắm lễ vật cho đám cưới người âm. Họ tìm mua một hình nộm đàn ông, một hình nộm đàn bà cùng nhiều đồ vật tượng trưng cho đám cưới như khăn áo, mũ mão... Hai gia đình cùng lên tổ chức hôn lễ cho vợ chồng “thần giữ của”. Lễ cưới tiến hành thu hút rất đông người hiếu kỳ đến ngó nghiêng chỉ trỏ.
Sự việc xảy ra tại gò đất có tên Núi Bạch Tuyết thuộc địa bàn thôn Linh Thượng (xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội), nơi bao đời này lưu truyền lời đồn là kho báu, từng chôn sống trinh nữ làm thần giữ của.
Đánh chết rắn, bị “thần linh” bắt vạ
Giải thích về cái tên núi Bạch Tuyết, các cao niên trong thôn cho biết, theo truyền thuyết, trước kia ở ngọn núi này có một cái hang có tới 3 cửa. Thời phong kiến, giặc ngoại xâm đô hộ vơ vét cơ man nào là vàng bạc, châu báu. Đến khi thua trận phải rút về nước, chúng không thể mang hết của cải, đành cất giấu một phần vào "hang 3 cửa".
Gò đất nơi diễn ra đám cưới “người âm”
Để trấn yểm không cho ai xâm phạm, chúng chôn sống theo một thiếu nữ còn trinh trắng, làm "thần giữ của" cho hang. Thiếu nữ xấu số đó tên là Bạch Tuyết Hoa, ngọn núi sau đó cũng mang tên của nữ thần giữ của.
Cũng theo các cao niên, núi Bạch Tuyết ngày nay đã không còn nguyên trạng, chỉ còn tồn tại một khối đá do bốn tảng đá lớn ghép lại. Với hình thù đó, người trong thôn quen gọi là quán Bạch Tuyết. Tuy nhiên, dù chỉ lớn hơn hòn "giả sơn" trang trí các khuôn viên một chút, quán Bạch Tuyết vẫn ẩn chứa nhiều truyền thuyết liêu trai không rõ thực hư.
Một phụ nữ ngụ thôn Linh Thượng, có thâm niên hàng chục năm bán nước chè cạnh quán Bạch Tuyết, vẫn còn rùng mình khi kể lại chuyện nữ thần giữ của "bắt mạng" người sống làm chồng.
Chàng trai được chọn đó mới tròn 18 tuổi, nổi tiếng đẹp trai, tính tình lại rất hiền lành. Vào khoảng 12h trưa một ngày tháng 8/1997, chàng trai cùng một số bạn bè lên quán chơi. Tình cờ nhìn thấy một con rắn hổ mang to bằng cổ tay bò từ trong núi ra, chàng trai phản xạ nhanh, dùng một cây gỗ lớn đánh chết con rắn.
Sau sự việc, trở về nhà, chàng trai bắt đầu có những biểu hiện kỳ lạ. Cậu liên tục nói với mọi người: “Bạch Tuyết chọn tôi làm chồng, tôi sắp phải về cùng Bạch Tuyết”. Trông cậu lúc đó như người mất hồn, đôi mắt đờ đẫn không còn sinh khí. Người nhà không ai hiểu đã có chuyện gì xảy ra.
Biết chuyện cậu giết rắn, lại tưởng con em mình sợ quá nên mới như thế. Ai ngờ vài hôm sau, chàng trai tự tử. Mọi người bấy giờ mới giật mình, hiểu câu "Bạch Tuyết chọn tôi làm chồng" như là điềm báo chàng trai sẽ chết.
Hành động lạ của chàng trai nhất quyết đòi… chết
Mang câu chuyện ly kỳ tới gặp gia đình chàng thanh niên, được người cha khẳng định là có thật. Gia đình ông có bảy người con, chàng trai là con út. Từ bé, cậu đã hiền lành ngoan ngoãn, chăm chỉ làm việc, hay giúp đỡ mọi người. Không chỉ thế, cậu còn rất khôi ngô, trở thành niềm tự hào của cả gia đình.
Nhớ lại biến cố khủng khiếp, người cha cho biết: "Buổi trưa hôm đó, đi chơi về, nó bỗng bảo tôi: “Bố ơi, con sắp lấy cô Bạch Tuyết làm vợ rồi".
Trông con như người mất hồn, gia đình rất lo lắng. Sau biết chuyện nó đánh rắn trên núi, người nhà bèn bảo nhau phải mời “thầy” về xem con có phạm phải thánh thần nào không để làm lễ giải hạn".
Bấy giờ, một ông “thầy” sau khi xem đã phán: Trong tháng 8 âm lịch này phải giữ chàng trai trong nhà, nếu qua được ngày 30 là thoát, bằng không sẽ mất mạng, phải giữ con ở nhà. Gia đình nghe thế thì vội vàng cắt cử người luân phiên theo chàng trai như hình với bóng.
Không chỉ cấm cản, không cho chàng trai ra ngoài, người nhà sắm một mâm lễ to, lên núi Bạch Tuyết, cầu xin nữ thần giữ của tha cho con mình. Sau buổi lễ, chàng trai có vẻ linh lợi trở lại. Nghĩ rằng mọi sự đã ổn thỏa, người nhà cũng lơi dần canh gác.
Đến ngày 1/9 âm lịch, trong thôn có một đám cưới. Người làng với nhau không thể từ chối, cha mẹ chàng trai đành phải đi dự. Trước đó, họ đã cẩn thận gọi vài bạn bè của chàng trai đến nhờ trông hộ.
Lâu không được gặp nhau, những người bạn tổ chức ăn uống, hát hò vui vẻ. Mải vui chơi, các bạn cũng không để ý chàng trai đã biến mất lúc nào. Khoảng 17h, bố mẹ trở về, không thấy con đâu. Mọi người bèn hốt hoảng tủa đi tìm. Khi mở cửa phòng chàng trai, cha mẹ đổ sụp khi thấy con mình đã lủng lẳng trên xà nhà.
Hô nhau đưa người xấu số xuống, thân thể cậu không một vết thương, khuôn mặt vẫn hồng hào như người đang nằm ngủ. Ngày còn sống, cậu chưa bao giờ chụp hình nên không có ảnh để lại. Thấy khuôn mặt đã chết vẫn như đang sống, người nhà đành chụp lại để có ảnh thờ. Tuy nhiên chỉ dùng mấy ngày làm lễ, sau đó, cha mẹ không đủ can đảm nhìn lại tấm ảnh đó trên ban thờ.
"Ngày đó, chúng tôi rất băn khoăn bởi thời hạn cuối tháng đã qua, sao con tôi vẫn bị "bắt". Tuy nhiên, khi lên làm lễ trên núi Bạch Tuyết, một “ông thầy” đã giải thích: Tháng 8 âm lịch đó là tháng thiếu, chỉ có 29 ngày. Vì thế, tuy là ngày 1/9 âm lịch nhưng thực chất lại là ngày cuối cùng của tháng 8.
Nghe thế, chúng tôi đành an ủi, thôi thì số phận đã an bài", người cha chàng trai giải thích.
Sau đó, bát nhang thờ chàng trai được đưa lên nhà một người anh ở gần núi, với ý nghĩa để "vợ chồng thần giữ của" được gần nhau.
Cả làng tổ chức đám cưới "âm"
Bẵng đi hơn chục năm, câu chuyện nữ thần "bắt mạng" người sống làm chồng tưởng đã vùi chôn vào dĩ vãng. Nhưng đến khoảng năm 2009, người dân sống bên núi Bạch Tuyết lại chứng kiến chuyện ly kỳ, lời đồn "ma bắt chồng" lại dậy sóng.
Một phụ nữ sinh sống cách chân núi khoảng hơn 100m bỗng gặp chuyện dị thường. Biết đây là vùng núi thiêng, mỗi ngày rằm, mồng Một, chị đều sang thắp hương, trước đó đều không xảy ra chuyện gì.
Tuy nhiên đến một ngày tháng 10/2009, khi đến làm lễ, chị bỗng thấy người ớn lạnh. "Tôi còn nhớ rõ đó là ngày 10/10. Tôi vẫn nhìn thấy mọi người nhưng hành động và lời nói thì không sao kiểm soát được. Cứ như có người nào đó điều khiển, tôi không nhớ nổi mình vừa làm gì", người phụ nữ kể lại.
Một số người chứng kiến hôm đó cho biết, thiếu phụ múa may quay cuồng, luôn miệng tự nhân: Ta là Bạch Tuyết Hoa. Thấy lạ quá, nhiều người xúm lại trêu: “Thế Bạch Tuyết Hoa cần gì?”.
Lúc đó, thiếu phụ như nổi giận, phán: “Ta và chồng ta lấy nhau mà chưa có lễ cưới, chưa được sự chấp thuận của gia đình. Nếu không làm lễ cưới, sẽ giáng họa xuống cả làng”.Tuy khá sợ hãi trước những lời nói, hành động khác thường nhưng người dân vẫn không tin lắm, nghĩ rằng thiếu phụ lẩn thẩn.
Được gia đình đưa về nhà, trong 10 ngày liền, thiếu phụ liên tục có hiện tượng lạ, người lả đi, sùi bọt mép. Chị cứ luôn miệng đòi hỏi phải có lễ vật đám cưới cho vợ chồng "thần giữ của". Người nhà cực chẳng đã phải tìm đến nhà chàng trai tự tử hỏi, mới ngã ngửa biết, dù tin con mình bị nữ thần "cưới" làm chồng nhưng gia đình chưa làm lễ lạt gì.
Sau đó, hai gia đình bàn nhau sắm lễ vật cho đám cưới người âm. Họ tìm mua một hình nộm đàn ông, một hình nộm đàn bà cùng nhiều đồ vật tượng trưng cho đám cưới như khăn áo, mũ mãng...
Hai gia đình cùng lên tổ chức hôn lễ cho vợ chồng thần giữ của. Lễ cưới tiến hành thu hút rất đông người dân trong vùng đến dự. Ngay sau đó, thiếu phụ trở lại bình thường, không còn hiện tượng bị "nhập" nữa.
Trao đối về những câu chuyện kỳ quái, ông Nguyễn Sỹ Tiến, cán bộ văn hóa xã Vân Côn cho biết, những người tự nhiên bị bệnh, nói nhăng nói cuội không phải là hiếm trong cuộc sống. Còn việc núi chôn vàng, yểm thần giữ của chỉ là truyền thuyết trong dân gian. Những việc làm sặc mùi mê tín dị đoan này cần bị bài trừ, dẹp bỏ.
0 nhận xét