Giữa công đường, cô con dâu nói thẳng mong muốn mẹ chồng cô phải ngồi tù. Còn chồng chị ta cũng vào hùa với vợ, nói những câu cạn tàu ráo máng với mẹ đẻ và 5 chị em gái của mình, những bị cáo đang đứng sau vành móng ngựa: "Tôi không còn mẹ con, anh em với những người này. Đề nghị toà xử theo đúng pháp luật".
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Thành Long
Những lời nói của con trai, con dâu như sét đánh ngang tai bị cáo 81 tuổi Nguyễn Thị Cải. Trái tim bị cáo Cải đau nhói, những giọt nước mắt mặn đắng lăn dài trên gò má nhăn nheo...
Nén bạc đâm toạc tình huyết thống
Nhiều năm theo dõi pháp đình, chúng tôi chưa từng tham dự phiên toà nào có đông bị cáo trong cùng một gia đình như phiên toà này, mà toàn là phụ nữ. Bị cáo đầu tiên phải kể đến là Nguyễn Thị Cải (SN 1932), đầu chít khăn mỏ quạ màu đen lụ khụ sau vành móng ngựa. Cạnh bị cáo là hai cô con dâu, ba cô con gái gồm các bị cáo: Hoàng Thị Bạch (SN 1958), Hoàng Thị Tập (SN 1967), Hoàng Thị Thực (SN 1969), Hoàng Thị Hành (SN 1971), Hoàng Thị Vân (SN 1973), tất cả đều trú tại Xuân Lai, Xuân Thu, Sóc Sơn, Hà Nội.
Nhìn 6 bị cáo ăn mặc tuềnh toàng rất quê mùa này, chúng tôi không thể nghĩ họ lại phạm tội huỷ hoại tài sản. Trớ trêu thay, người bị hại cũng chính là con đẻ của bị cáo Cải, đồng thời cũng là anh em của tất thảy bị cáo nói trên. Vì sao bà lão 81 tuổi lại trở thành bị cáo trong phiên tòa này?
Chứng kiến phiên xử, chúng tôi không khỏi nhói lòng khi biết phía bị hại chỉ muốn TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Cải và 5 người con gái, con dâu án tù giam thì mới hả lòng, hả dạ. Trước đó, TAND huyện Sóc Sơn đã tuyên phạt bị cáo Cải 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, còn các bị cáo Bạch, Tập, Thực, Hành, Vân đều nhận mức án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội huỷ hoại tài sản.
Đứng trước công đường, trả lời những câu hỏi của HĐXX về tuổi, trình độ văn hoá, tên bố mẹ, bị cáo Nguyễn Thị Cải đều trả lời không biết, không nhớ. Thế nhưng khi vị chủ toạ hỏi về nguyên nhân sâu xa dẫn đến thảm cảnh con trai, con dâu "đưa" mẹ vào vòng lao lý, bị cáo Cải tỏ ra bức xúc tột cùng. Theo lời bị cáo Cải, chồng mất sớm, bị cáo một mình nuôi 7 đứa con khôn lớn trưởng thành, trong đó có đứa con trai là bị hại trong vụ án này Hoàng Văn (SN 1967, Xuân Lai, Xuân Thu, Sóc Sơn, Hà Nội).
Khi Hoàng Văn lập gia đình, bà Cải đã cho hai vợ chồng một mảnh đất và xây nhà ba gian cho hai vợ chồng ra ở riêng. "Đất đai tôi cho đến đâu, nó chỉ được hưởng đến đấy. Đằng này vợ chồng nó xây công trình phụ lấn sang đất của tôi" - bị cáo Cải nói trong cay đắng.
Chính vì vậy, bị cáo thừa nhận khoảng 8h ngày 23.12.2011 đã sang nhà con trai để nói chuyện phải trái. Giữa bị cáo và con dâu (vợ Văn) xảy ra xô xát. Sau đó bà Cải bị ngã nằm dưới đất. Thân già sức tàn lực kiệt, bà đã hô hoán, gọi con gái, con dâu đến cứu mình. Ngay lập tức 5 người con (Bạch, Tập, Thực, Hành, Vân) chạy đến, thấy mẹ nằm dưới đất, tưởng mẹ bị vợ chồng Văn đánh, họ đã xông vào ẩu đả với vợ Văn. Sáng 25.12.2011, 6 mẹ con bà Cải lại đến đập phá toàn bộ công trình phụ, chuồng lợn, chuồng ngựa của gia đình Văn. Vì tuổi cao sức yếu, bà Cải chỉ cầm gậy tre chọc làm ngói rơi xuống đất.
Theo cơ quan tiến hành tố tụng huyện Sóc Sơn, tổng thiệt hại của gia đình anh Văn là 8,7 triệu đồng (lấy số tròn - PV). Chính vì vậy, 6 mẹ con bà Cải bị khởi tố về tội huỷ hoại tài sản.
Bản án lương tâm trong mỗi người
Cách đây hơn 1 năm, dư luận cả nước vô cùng phẫn uất trước vụ án dân sự có một không hai con trai kiện mẹ đẻ đòi bồi thường công nuôi dưỡng xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc. Xem xét một cách thấu đáo cả lý và tình, TAND tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên phúc thẩm đã ra một bản án thấu tình, đạt lý: Bác đơn khởi kiện của nguyên đơn. Vụ án này vừa khép lại thì vụ án con trai, con dâu muốn mẹ ngồi tù ở Sóc Sơn lại dấy lên một làn sóng bất bình về đạo làm con đối với cha mẹ.
Trao đổi với PV Báo điện tử Người đưa tin, luật sư Tú Anh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Trong vụ án mẹ đẻ hủy hoại tài sản của con trai xảy ra ở Sóc Sơn, bà mẹ là người mắc sai lầm đầu tiên. Đáng lẽ khi phát hiện con trai, con dâu lấn chiếm đất đai của mình, với tư cách làm mẹ, bà phải họp con cháu trong gia đình, lấy tư cách người mẹ khuyên bảo con trai mình không được làm như vậy. Nếu gia đình thuyết phục không được, bà Cải có thể nhờ chính quyền giải quyết, không nên tự cầm đầu nhóm người (con gái, con dâu) đến đập phá công trình phụ, chuồng ngựa, chuồng lợn nhà con trai mình và đánh con dâu bị thương. Pháp luật không cho phép làm như vậy".
"Tuy nhiên, xét về đạo lý làm người, tôi thấy người con trai cũng không nên "đẩy" mẹ và các chị em mình vào vòng lao lý. Nhà bị đập có thể xây mới đẹp hơn, nhưng tình mẹ con đã tan vỡ thì không gì hàn gắn nổi" - luật sư Tú Anh nhấn mạnh.
Với tư cách là luật sư, ông Tú Anh cũng cho biết nếu được mời tham gia vụ án này, ông sẽ lấy nhân tâm để khuyên bảo phía bị hại không nên đẩy vấn đề đi quá xa như thế. "Làm vậy là thất đức lắm" - luật sư Tú Anh nói thẳng thắn.
Nhận xét về vụ án này, một cán bộ TAND TP.Hà Nội bức xúc: "Việc anh con trai "đưa" mẹ và chị em gái, em dâu ra tòa đã là một sai lầm lớn. Đằng này, nghe tòa cấp sơ thẩm tuyên mẹ và 6 chị em án tù treo, người chồng hùa vào với vợ kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm tăng hình phạt đối với mẹ và các chị em của mình thì càng không thể chấp nhận được. Lương tâm của họ để đâu? Còn đâu đạo lý làm người(!?)".
Xót xa cảnh "nồi da, nấu thịt"
Trở lại phiên toà phúc thẩm, kịch tính được đẩy lên đến đỉnh điểm ngay tại phần xét hỏi, khi HĐXX hỏi bị hại Hồng Thuý: "Chị có yêu cầu gì?". Bị hại nói thẳng ý định của mình: "Bà Cải (mẹ chồng tôi) cầm búa cùng các con đến đập phá nhà tôi. Tôi ngăn cản, bà ta lăn ra ăn vạ nói tôi đánh để các con đánh tôi bị trọng thương phải nằm viện, để lại sẹo ở trên đầu. Tôi yêu cầu toà xử các bị cáo tù giam (không phải án treo như án sơ thẩm của TAND huyện Sóc Sơn - PV).
HĐXX hỏi: "Chị muốn mẹ chồng chị đi tù?". "Đúng" - Thuý trả lời. "Mẹ chồng chị quá đáng đến mức phải đi tù không?" - toà hỏi. Trước câu hỏi này, bị hại Hồng Thuý chọn phương án im lặng, không nói gì.
Một thành viên HĐXX lên tiếng: "Con người ta ăn ở phải có trước, có sau. Tòa biết hết nội tình vụ án. Chúng tôi hỏi như vậy để gợi trong lòng anh chị xem mình xử sự với mẹ ruột như vậy liệu có được không?". Trao đổi với PV báo ĐS&PL, vị thẩm phán này thừa nhận: "Đây là một vụ án hình sự đau lòng: Con trai, con dâu "đưa" mẹ ra toà. Ngoài việc xem xét kỹ các tình tiết pháp lý, HĐXX cũng rất quan tâm đến đạo lý làm người trong vụ án này".
Công đường im lặng trong giây lát, tưởng có thể nghe được trái tim bà mẹ già gần đất xa trời bỗng dưng trở thành bị cáo đang thổn thức, uất ức vì con trai bất hiếu. Nuốt nước mắt vào lòng, nỗi đau của bị cáo Cải hiển hiện qua những nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt già nua, khắc khổ.
Không chỉ HĐXX lên tiếng, vị luật sư bảo vệ cho phía bị hại cũng khuyên vợ chồng anh Hoàng Văn có thể rút lại phần kháng cáo tăng mức hình phạt cho các bị cáo (vì không phù hợp với đạo lý làm con - PV). Buồn thay, trái tim đứa con trai vẫn băng giá với mẹ và các em gái của mình. Cuối phiên xét xử, HĐXX tuyên y án sơ thẩm. Bản án nhận được sự đồng thuận cao của dư luận.
Bất hiếu, bất nghĩa Nhân vật gây sự chú ý thứ hai trong vụ án này phải kể đến là người con trai của bà Cải. HĐXX quay sang hỏi anh Hoàng Văn: "Anh quan hệ gì với 6 bị cáo đang đứng sau vành móng ngựa?". Văn trả lời: "Họ là mẹ đẻ, hai chị dâu và ba chị em gái của tôi". HĐXX hỏi tiếp: "Hành vi phạm tội của 6 bị cáo đến đâu, toà sẽ xử đến đó. Toà muốn hỏi vì sao vợ chồng anh muốn họ phải đi tù?". Bị hại Hoàng Văn đáp giọng khô khốc: "Họ đập phá nhà tôi, đánh vợ tôi phải nhập viện. Tôi không còn mẹ con, anh em với những người này". Nghe những lời nói này, nhiều người tham dự phiên toà lắc đầu ngao ngán. |
0 nhận xét